●❈❈❈● KÍNH CHÚC CÁC BẠN ĐỒNG TU THÂN TÂM THƯỜNG AN LẠC, TINH TẤN TU HÀNH, MAU ĐẾN BỜ GIẢI THOÁT ●❈❈❈●

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TRÌ CHÚ TĂNG TRƯỞNG HUỆ LỰC VÀ THẦN LỰC

Trong bộ Luận Đại Trí Độ, Ngài Cưu Ma La Thập có giảng rõ: Trì Chú có nghĩa là gìn giữ và bảo vệ. Gìn giữ là gom góp các pháp lành không cho tan mất. Bảo vệ là ngăn ngừa tâm bất thiện không cho phát sanh. Trì Chú là giúp tăng trưởng Huệ lực, Thần lực.

Duy trì tâm lực, bảo tồn chân khí (như người bị mất hết chân khí sẽ bị bệnh hoài, thân tâm thường mệt mỏi, ngày càng kiệt sức, trí huệ mê mờ, không còn tự chủ, dễ bị Ma quỷ dựa nhập).

Người trì Chú có được chánh tâm, chánh ý.
Thống nhiếp và duy trì vô lượng Phật Pháp, khiến không bao giờ hoại diệt.

Khi trì Chú, tay nên kết Ấn, miệng trì Chú (trì cho ra tiếng), mắt nhìn tượng Phật, tâm quán (nhớ tưởng) chữ Rảm (chủng tử biểu tượng cho bản thể của chư Phật).

Pháp môn Trì Chú giúp cho người tu “phát sanh trí huệ” để kiểm soát được hành động, lời nói, ý nghĩ và phân biệt được rõ ràng đâu tà, đâu chánh. Như vậy thì hành động, lời nói và ý nghĩ sẽ trở nên trong sáng, vọng niệm tự nhiên không khởi. Không khởi niệm phân biệt, giữ tâm trong sáng thì mới phát sinh ra được “đạo lực” (cái lực nầy mới có khả năng độ mình, độ người giúp giải được nạn Thiên tai và được giải thoát).

Cách niệm Phật, trì Chú lớn tiếng nầy gọi là “Bố Ma” (làm cho ma khiếp sợ mà bỏ chạy), nhiếp được thân, khẩu, ý trong sáng và có được những lợi ích đặc biệt sau đây:

- Diệt được sự buồn ngủ, hôn trầm.

- Tâm không tán loạn.

- Chuyện đời chẳng lọt vào tai.

- Có cặp mắt sáng.

- Tiếng nói rổn rảng, mạnh mẽ, cứng chắc, đầy thần lực.

- Có tướng đi mạnh mẽ, oai phong.

- Lời nói thẳng thắn, mạnh dạn.

- Tâm thần cương trực, không nhút nhát, không sợ sệt, xông pha vô trận hàng phục ma quân.

- Dõng mãnh, tinh tấn.

- Tâm lực, thần lực phát sanh ra cực mạnh.

- Bệnh nghiệp được tiêu trừ.

- Tứ Đại điều hoà.

- Tâm thể an nhiên.

- Khi trì Chú phát ra vòng hào quang bao phủ quanh thân người trì Chú.

- Bùa ngải, độc trùng, gió độc không xâm phạm đến thân mình được.

- Thiên Ma phải nể sợ.

- Vong linh vất vưởng chung quanh nghe được âm thanh của Thần Chú đều được siêu thoát.

- Côn trùng, chuột, kiến, gián, nhện, bọ, tự động đi mất, hoặc được thoát kiếp hết.

- Những vong linh hữu duyên, và cửu huyền cũng được siêu thoát.

- Thiên Long Hộ Pháp luôn ở bên cạnh hộ trì, an ủi, nhắc nhở, chỉ dạy v.v…

- Tất cả sở cầu đều được như ý.

- Danh tiếng từ từ vang khắp mười phương.

- Tam Muội hiện ra trước mắt.

- Mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát đều vui mừng thọ ký.

- Lâm chung chánh niệm, biết trước ngày giờ, vãng sanh Cực Lạc quốc.

Tu tập theo pháp môn Mật Tịnh tức là “luyện” cho thân tâm được thuần thục, nó đòi hỏi người tu một sự tha thiết, quyết tâm xả bỏ những tâm xấu, luôn mong cầu được giải thoát, chứ không phải là “có căn” (Mật) mới tu được. Nếu căn cơ cao, tâm đã tịnh, thì cần chi phải tu (niệm Phật, hay Trì Chú)?

Ở phần trước đã có nói:

Muốn đạt được kết quả tốt đẹp trên đường tu mật tông thì điều tiên quyết là chớ nên khởi lòng nghi ngờ, khinh báng chi cả. Dù cho lòng “nghi”, “chấp” ấy nhỏ như hạt bụi đi chăng nữa, quyết cũng chẳng nên có. Cứ một lòng chặc dạ y theo đó mà hành trì thì được gọi là “đúng như pháp” vậy! Vì chư Phật, Bồ Tát quyết không bao giờ vọng ngữ (nói lời dối gạt)!

Cho nên, muốn bảo đảm được vãng sanh trong kiếp nầy, song song với niệm Phật ta cần phải kiêm thêm phần Trì Chú, mới giải được sự khảo đảo (khi oan gia) kéo đến, và chắc thêm phần vãng sanh cho chính mình./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét